Các khoa và bộ môn Trường_Đại_học_Khoa_học_Tự_nhiên,_Đại_học_Quốc_gia_Thành_phố_Hồ_Chí_Minh

Bài viết hoặc đoạn này cần được wiki hóa để đáp ứng tiêu chuẩn quy cách định dạng và văn phong của Wikipedia. Xin hãy giúp sửa bài viết này bằng cách liên kết đến các trang liên quan hoặc cải thiện bố cục của bài viết.

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 09 khoa và 02 bộ môn trực thuộc:

Khoa Công nghệ thông tin

SV lớp Cử nhân quốc tế ngành CNTT trường ĐH KHTN trong giờ học với GS Leo - ĐH AUT (New Zealand)

Được thành lập theo quyết định 3818/GD-ĐT ngày 13/12/1994 dựa trên Bộ môn Tin học của Khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện Khoa có 6 bộ môn: Công nghệ Tri thức, Hệ thống thông tin, Công nghệ phần mềm, Mạng máy tính và Viễn thông, Khoa học máy tính, Thị giác máy tính và Khoa học Rôbốt.

Khoa đào tạo các Cử nhân Công nghệ thông tin có kiến thức nền tảng vững vàng và chuyên sâu, có phương pháp luận vững chắc để khởi đầu việc nghiên cứu trong lĩnh vực Công nghệ thông tin và năng lực ứng dụng kết quả mới nhất của Công nghệ thông tin vào thực tế. Người học cũng được cung cấp các kỹ năng thích nghi, tự điều chỉnh, tự phát triển, khả năng phát hiện và giải quyết vấn đề một cách logic, sáng tạo và có hệ thống.

Cử nhân Công nghệ thông tin có khả năng phân tích, đánh giá, thiết kế, thực thi và vận hành các hệ thống mạng máy tính và viễn thông, các hệ thống thông tin hay hệ thống phần mềm có khả năng phục vụ trong công tác khoa học, giáo dục, xã hội và kinh tế.

Tháng 12/2009, chương trình đào tạo của Khoa được kiểm định chất lượng theo chuẩn AUN (ASEAN University Network) do các chuyên gia quốc tế thực hiện và được đánh giá có chất lượng ngang với các chương trình đào tạo tiên tiến khác trong khu vực.

Khoa Toán – Tin học

Là một Khoa có bề dày lịch sử của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Khoa Toán – Tin học trang bị cho người học đầy đủ các kiến thức cơ bản về toán và tin học để có thể tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu về toán và khoa học máy tính hoặc ứng dụng toán vào các lĩnh vực của khoa học công nghệ và đời sống.

Chương trình đào tạo hướng tới việc rèn luyện cho sinh viên tư duy chính xác của toán học, tư duy thuật toán và phương pháp tiếp cận khoa học tới các vấn đề thực tế. Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc trong các môi trường giảng dạy, nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh cần đến các kiến thức toán và tin học.

Khoa Toán – Tin học đang thực hiện chương trình đào tạo bậc cử nhân theo học chế tín chỉ gồm nhiều chuyên ngành được chia thành 3 lĩnh vực chính. Các chuyên ngành thuộc Toán lý thuyết gồm Đại số và Giải tích dành cho các sinh viên quan tâm về mặt lý thuyết của Toán học. Các chuyên ngành này sẽ trang bị cho sinh viên kiến thức nền tảng vững chắc về lý thuyết để chuẩn bị cho công việc giảng dạy tại các trường trung học hoặc tiếp tục chương trình sau Đại học để chuẩn bị cho công việc nghiên cứu và giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng.

Các chuyên ngành còn lại thuộc về hai lĩnh vực Toán ứng dụng và Tin học. Toán ứng dụng bao gồm các chuyên ngành Giải tích số, Toán kinh tế, Thống kê và Toán cơ. Tin học gồm có các chuyên ngành Phương pháp toán và Toán – Tin ứng dụng. Các chuyên ngành này dành cho các sinh viên quan tâm đến mối liên hệ giữa lý thuyết của Toán học và những ứng dụng của nó trong khoa học công nghệ. Với kiến thức được trang bị sinh viên có thể làm việc trong các công ty máy tính, các tổ chức tài chính bảo hiểm hoặc các cơ sở công nghiệp đòi hỏi kiến thức Toán học tốt. Ngoài ra sinh viên cũng có thể theo đuổi các chương trình đào tạo cao hơn sau Đại học để chuẩn bị cho công việc nghiên cứu và giảng dạy trong các trường Đại học.

Để hoàn tất một trong các chuyên ngành thuộc một trong ba lĩnh vực trên, sinh viên phải hoàn thành một chương trình đào tạo tương ứng với lĩnh vực đó.

Khoa Vật Lý – Vật lý Kỹ thuật

Là Khoa có lịch sử gắn liền với sự phát triển của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Hiện Khoa giữ nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học ở các lĩnh vực về Vật lý và các ứng dụng liên quan. Khoa Vật lý - Vật lý Kỹ thuật của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cũng là đơn vị duy nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm đào tạo nguồn nhân lực năng lượng hạt nhân phục vụ phát triển năng lượng hạt nhân của quốc gia trong tương lai. Mục tiêu đào tạo của Khoa là đào tạo cho sinh viên các kiến thức cơ bản và chuyên sâu về Vật lý cả về lý thuyết và thực nghiệm.

Khoa có 08 bộ môn: Vật lý Hạt nhân, Vật lý lý thuyết, Vật lý Địa cầu, Vật lý Ứng dụng, Vật lý Chất rắn, Vật lý Tin học, Vật lý Điện tử, Hải dương học-Khí tượng-Thủy văn.

Khoa Hóa học

Khoa Hóa hiện đảm trách nhiệm vụ đào tạo bậc Đại học và sau Đại học, cung cấp cho người học kiến thức đại cương và kiến thức chuyên ngành về lý thuyết cũng như kỹ năng thực hành của các chuyên ngành hóa hữu cơ, hóa lý, hóa vô cơ, hóa phân tích, hóa học polyme và hóa dược. Nghiên cứu khoa học ở Khoa được hướng dẫn bởi các giáo sư đầu ngành, được thực hiện qua các chương trình hợp tác với các trường và viện Đại học uy tín trong và ngoài nước. Mặc dù là khoa nghiên cứu cơ bản, nhưng Khoa Hóa luôn khuyến khích những nghiên cứu mang tính liên ngành, có khả năng ứng dụng cao.

Khoa có 06 bộ môn: Hóa Hữu cơ, Hóa Vô cơ và Ứng dụng, Hóa lý, Hóa Phân tích, Hóa học Polyme, Hóa Dược.

Hiện nay, Khoa Hóa học có 2 ngành đào tạo gồm ngành Hóa học và ngành Công nghệ kỹ thuật Hóa học, trong đó:

Ngành Hóa học hiện có 4 chương trình:

- Chương trình chính quy đại trà: chương trình được xây dựng theo 2 định hướng gồm hướng nghiên cứu và hướng ứng dụng. Hướng nghiên cứu giúp cung cấp cho sinh viên kiến thức chuyên sâu, phục vụ công tác nghiên cứu và giảng dạy. Hướng ứng dụng giúp sinh viên tiếp cận các quy trình, quy mô sản xuất trong công nghiệp và thực tế, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

- Chương trình cử nhân tài năng: sinh viên được học tập trải nghiệm trong môi trường đặc biệt nhằm đạt được trình độ chuyên môn vững vàng, kỹ năng thực hành thành thạo, năng lực sáng tạo và nghiên cứu khoa học cao, khả năng lãnh đạo, làm việc nhóm và kỹ năng giao tiếp truyền thông tốt, sử dụng ngoại ngữ chuyên môn thành thạo, có đạo đức nghề nghiệp và tính chuyên nghiệp cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chương trình được tăng cường tiếng Anh chuyên ngành, 30 sinh viên/lớp.

- Chương trình chất lượng cao: sinh viên được học tập trải nghiệm trong môi trường đặc biệt nhằm đạt được các kiến thức chuyên môn vững vàng, kỹ năng thực hành thành thạo, phương pháp luận để phân tích tổng thể và giải quyết các vấn đề trong môi trường hoạt động liên ngành; có khả năng tích lũy phẩm chất cá nhân và hiểu biết tốt về xã hội để trở thành cán bộ quản lý, điều hành cơ quan, doanh nghiệp trong môi trường hội nhập quốc tế ngày càng sâu và những thay đổi nhanh chóng của công nghệ. Chương trình được tăng cường tiếng Anh chuyên ngành, 40 sinh viên/lớp.

- Chương trình văn bằng đôi Việt Pháp (liên kết với ĐH Le Mans của Pháp): chương trình được xây dựng dựa trên chương trình chính quy đại trà, tăng cường tiếng Pháp tổng quát và chuyên ngành, giúp sinh viên hòa nhập vào hệ thống đào tạo tiên tiến của cộng đồng các nước nói tiếng Pháp trên thế giới. Chương trình được giảng dạy kết hợp giữa giảng viên Việt Nam và Pháp, 30 sinh viên/lớp.

Ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học: chỉ có chương trình chất lượng cao

Sinh viên được học tập trải nghiệm trong môi trường đặc biệt nhằm đạt được trình độ chuyên môn vững vàng, kỹ năng thực hành thành thạo, năng lực sáng tạo cao, khả năng làm việc nhóm và kỹ năng giao tiếp truyền thông tốt, sử dụng ngoại ngữ chuyên môn thành thạo, có đạo đức nghề nghiệp và tính chuyên nghiệp cao, có khả năng vận dụng các kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và phương pháp luận vào nghiên cứu và phát triển các sản phẩm trong lĩnh vực Hóa học. Chương trình được tăng cường tiếng Anh chuyên ngành, 40 sinh viên/lớp.

Khoa Sinh học - Công nghệ sinh học

Khoa có tiền thân là Khoa Sinh học của Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Khoa được giao nhiệm vụ đào tạo bậc Đại học 02 ngành: Sinh họcCông nghệ Sinh học và nhiều chuyên ngành sau Đại học. Khoa trang bị cho sinh viên những kiến thức căn bản đa dạng về quy luật khác nhau của hệ thống sống và các kỹ năng tối thiểu để tìm hiểu hệ thống sống. Sinh viên có khả năng vận dụng các kiến thức và kỹ năng này để tiếp cận, giải quyết các vấn đề thực tiễn liên quan đến sinh học.

Hiện Khoa có 08 bộ môn: Sinh hóa, Sinh lý Thực vật, Di truyền, Vi sinh, Sinh lý học và Công nghệ Sinh học động vật, Sinh thái và Sinh học tiến hóa, Công nghệ sinh học phân tử và Môi trường, Công nghệ sinh học Thực vật và Chuyển hóa sinh học.

Khoa Địa chất

Khoa Địa chất có lịch sử trên 50 năm. Mục tiêu đào tạo của Khoa là cung cấp cho sinh viên các kiến thức cơ bản về khoa học Trái đất, đặc biệt là các vật liệu tạo thành lớp vỏ cứng và quyển mềm của Trái đất, các phương pháp tìm kiếm các tài nguyên, khoáng sản từ dạng rắn đến dạng lỏng hoặc khí (kim cương, ruby, saphia, đá bán quý, đá xây dựng, đất sét, cát sạn, nước ngầm, dầu khí…); các tác động đến môi trường sau khi khai thác…

Hiện Khoa có 05 bộ môn: Địa chất Cơ sở, Khoáng Thạch, Trầm Tích, Địa chất Dầu khí và Khoáng sản, Địa chất Công trình –Thủy văn và Môi trường.

Khoa Môi trường

Thành lập năm 2000. Sự ra đời của Khoa Môi trường đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc đào tạo cán bộ khoa học cơ bản về môi trường phù hợp với xu thế của thế giới, đồng thời cho thấy những nỗ lực không ngừng của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên trong việc phát triển đa dạng các ngành đào tạo. Khoa Môi trường trang bị cho sinh viên các phương pháp khoa học để hiểu sự vận hành của hệ thống môi trường; các kỹ năng phân tích, ra quyết định nhằm bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên.

Khoa hiện có 03 bộ môn: Khoa học Môi trường, Quản lý và Tin học Môi trường, Công nghệ Môi trường với nhiệm vụ chính là đào tạo nguồn nhân lực ngành Khoa học và Công nghệ môi trường bậc Đại học và sau Đại học.

Khoa Điện tử – Viễn thông

Tháng 6/2006, Khoa Điện tử - Viễn thông của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên được thành lập. Khoa đào tạo các chuyên ngành: điện tử, máy tínhhệ thống nhúng, viễn thôngmạng, điện tử – y sinh. Chương trình đào tạo cử nhân ngành Điện tử – Viễn thông sẽ trang bị cho người học kỹ năng thích nghi, tự phát triển, khả năng phát triển và giải quyết vấn đề trong điện tửviễn thông một cách hệ thống. Tùy theo chuyên ngành, cử nhân ngành Điện tử – Viễn thông có khả năng đọc hiểu và thực hiện các mạch điện tử, thiết kế các mạch tích hợp, lập trình ứng dụng vi xử lý – vi điều khiển, kiến trúc máy tính, tìm hiểu và thiết kế các hệ thống mạng máy tính và viễn thông, tính toán – mô phỏng các mô linh kiện điện tử nano...

Từ khi thành lập đến nay, Khoa đã có nhiều thành tích nổi bật trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học kỹ thuật như: 1 giải Nhì và một giải Khuyến khích Hội thi Sáng tạo VIFOTEC, 1 giải Ba và 2 giải Khuyến khích Hội thi Sáng tạo Thành phố. Đội sinh viên của Khoa cũng đã đạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi trong nước và quốc tế: giải vô địch cuộc thi lập trình robot mang tên Micom Car Rally 2006 do công ty Renesas và Khoa Công nghệ Thông tin tổ chức; giải Nhất cuộc thi Thiết kế vi mạch Analog - AICD 2010, 2011; giải Nhất cuộc thi Vi mạch Quốc tế LSI DESIGN CONTEST 2011 tại Nhật Bản; giải Nhất cuộc thi Ý tưởng sáng tạo sinh viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh năm 2010...

Khoa có 03 bộ môn: Điện tử, Máy tính - Hệ thống nhúng, Viễn thông – Mạng.

Khoa Khoa học và Công nghệ Vật liệu

Ra đời năm 2008 nhằm đáp ứng yêu cầu về chiến lược phát triển khoa học và công nghệ vật liệu ở Việt Nam, đóng góp thiết thực cho mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mục tiêu của Khoa là đào tạo các Cử nhân Khoa học Vật liệu có các kiến thức cơ bản và khả năng thực nghiệm về các phương pháp nghiên cứu, đo đạc, chế tạo vật liệu và màng mỏng, các tính chất của các loại vật liệu khác nhau (polymer, ceramic...) và những ứng dụng chính của chúng vào thực tiễn đời sống, sản xuất cũng như ở lĩnh vực vật liệu kỹ thuật cao. Tốt nghiệp, các Cử nhân có thể làm việc tại các trường Đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, các viện nghiên cứu, các hãng kinh doanh, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghệ cao... có hoạt động liên quan đến đào tạo cán bộ giảng dạy, tư vấn, nghiên cứu và ứng dụng chế tạo các loại vật liệu kỹ thuật cao.

Đối tượng nghiên cứu của Khoa là các hợp kim đặc dụng, gốm kỹ thuật, vật liệu polymer, compositenanocomposite, vật liệu quang, vật liệu bền cơ - nhiệt, vật liệu bán dẫn, vật liệu từ, vật liệu photonics, vật liệu y sinh...

Hiện Khoa có 03 bộ môn: Vật liệu Từ và Y sinh, Vật liệu Polymer và Composite, Vật liệu và Linh kiện màng mỏng

Bộ môn Giáo dục thể chất

Đội ngũ giảng viên từ Bộ môn Giáo dục thể chất từ Khoa Giáo dục Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn

Liên quan

Trường Trung học phổ thông Chu Văn An, Hà Nội Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội – Amsterdam Trường Đại học Ngoại thương Trường Trung học phổ thông chuyên, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh Trường Chinh Trường Đại học Duy Tân Trường Đại học Cần Thơ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trường_Đại_học_Khoa_học_Tự_nhiên,_Đại_học_Quốc_gia_Thành_phố_Hồ_Chí_Minh http://www.aunsec.org/programmelevel.php //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... http://gralib.hcmus.edu.vn http://web.hcmus.edu.vn/index.php?option=com_conte... http://www.hcmus.edu.vn https://www.facebook.com/us.vnuhcm https://www.topuniversities.com/universities/viet-... https://www.4icu.org/vn/ https://web.hcmus.edu.vn/index.php?option=com_cont... https://www.hcmus.edu.vn